Sàn giao dịch ve chai ra đời từ ý tưởng thành lập một khu chợ ve chai trên mạng, tại địa chỉ www.saigonvechai.com, để những người cùng đam mê sưu tầm đồ cũ có một diễn đàn chia sẻ. Từ “chợ ảo”, giờ nó đã biến thành chợ thật, thu hút hàng trăm người vào mỗi phiên chợ họp.
Ve chai… có lý lịch
Gọi ve chai, bởi nơi đây hội tụ đủ các loại đồ “thượng vàng hạ cám” đã qua sử dụng: từ dây giày, đồng hồ, mắt kính, giỏ xách, bật lửa zippo, rồi đến cả xe hơi, mô tô, thậm chí là…cây đèn dầu, cái máy may. Điều đặc biệt là mỗi món đồ tại đây đều mang “giá trị lịch sử” và có một “lý lịch” riêng.
Anh Dũng (bìa phải) đang thuyết trình “lý lịch” một chiếc xe cũ. Ảnh: T.Bế. |
Chủ sàn giao dịch, anh Trần Khắc Dũng, một người mê đồ cũ cho biết: “Thực ra sàn giao dịch saigonvechai.com đã có từ 6,7 năm trước. Nhưng chỉ là nơi để thỏa lòng đam mê của dân chơi đồ cũ, cũng có khi mua bán, trao đổi vài món đồ ai đó cần. Còn chợ thật thì mới hình thành cách đây hơn năm”.
Theo anh Dũng, có những món đồ với người này không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác thì vô giá. “Tôi nghĩ, người chủ cũ không còn dùng được món đồ của mình, hoặc không thích dùng nữa, hãy tìm cho nó một người chủ mới, chứ vứt đi thì lãng phí lắm”, anh Dũng nói và cho biết thêm, cái lợi của việc chia sẻ món đồ cũ còn nằm ở chỗ, biết đâu đến lúc nào đấy, món đồ ve chai của bạn sẽ có “cơ duyên” gặp gỡ những đồ khác, thuộc “họ hàng” bị lạc nhau lâu ngày. Và khi ấy thì giá trị của những món đồ mới thật sự thăng hoa.
Chợ Sài Gòn ve chai được phân ra nhiều không gian trưng bày, bán hàng. Mỗi món đồ đưa ra bán đều được chủ nhân thuyết trình về giá trị lịch sử, nguồn gốc. Bất cứ thắc mắc nào của khách cũng được tận tình giải đáp. Và cũng có khi, người xem bổ sung thông tin cho chủ sở hữu món đồ, nên tất cả đều có cơ hội học hỏi lẫn nhau, hiểu biết thêm về thế giới “ve chai”.
Những món đồ “cũ người nhưng mới ta”. Ảnh: T.Tâm. |
Hội ngộ niềm đam mê
Gọi là ve chai, song nhiều món “ve chai” có khi mang giá đến vài nghìn USD. Như chiếc đồng hồ Uply thập niên 1950 - 1960 được chào giá 11.500.000 đồng; đồng hồ Omega mạ vàng giá 300 - 400 USD một chiếc; xe mô tô cổ sản xuất trước năm 1.900 giá 6.000 USD… Cũng có những thứ chủ nhân của nó chỉ mang đến… “khoe” chứ không bán, dù được trả giá rất cao.
Khách đến chợ ve chai quen có, mới đến lần đầu cũng có, khách thành phố, khách ở các tỉnh, kiều bào, cả người nước ngoài. Anh Hải (quận Phú Nhuận) là một người đi chợ thường xuyên, cho biết, hầu như chủ nhật nào anh cũng đến “sàn giao dịch”. Anh chia sẻ: “Nhiều hôm…đi chợ không tha về nhà được món đồ nào, nhưng không phiên họp chợ nào tôi bỏ. Bởi không mua bán thì mang về thêm kiến thức, bổ sung ở các lĩnh vực mình thiếu”.
Còn Bác Thắng (quận Tân Bình) cứ mỗi sáng chủ nhật lại đến đây mong tìm được một món đồ cũ nào đó mang về cho bộ sưu tập đồ cũ của mình. Cũng có người đến chỉ để tìm mua một phụ kiện nào đó cho món đồ mình đang sử dụng.
Chợ ve chai còn tập hợp nhiều chuyên gia sưu tầm đồ cổ. Bất cứ ai cũng có thể được các chuyên gia thẩm định giá trị của những loại đồ dùng xưa cũ mà mình đang sở hữu, đồng thời tìm kiếm giúp thông tin về món đồ cần tìm. Hỏi về mô tô ba bánh gặp anh Võ Văn Minh, người có thâm niên trên dưới 30 năm sưu tầm về xe mô tô cổ; còn hỏi về những chiếc quạt sắt, hãy tìm anh Nguyễn Thanh Bình…
Không chỉ là nơi giao lưu, mua bán và chia sẻ kiến thức về giá trị của các món đồ cũ, tại Saigonvechai còn diễn ra nhiều hoạt động từ thiện và công tác xã hội đầy ý nghĩa. Từ lâu, các thành viên đã cùng chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ bị nhiễm HIV. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Rất cám ơn bạn đã quan tâm đến bài viết. Có thể bạn sẽ muốn viết một vài dòng để chia sẻ với mọi người. Chúc một ngày tốt lành!