Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Không chỉ là một chuyến đi.

Không chỉ là một chuyến đi.

Not everything is as it seems. – Prison Break 4, tập 15.

Có những việc mà không giống như bề ngoài của nó. Ví dụ hỏi không chỉ đơn giản là hỏi. Và đây cũng vậy, nó không chỉ đơn giản là một chuyến đi.

Tôi không biết đây có phải là một quyết định sai lầm không? Tôi không biết.

Con người không biết được ảnh hưởng hành động hiện tại tới tương lai ra sao. Câu này trong phim Wanted, tôi thích nó. Nếu quyết định càng quan trọng, hậu quả của nó càng to lớn. Thông thường chúng ta không biết liệu lúc đó quyết định đúng hay sai? Vì vậy tôi nghĩ chúng ta không nên tránh né quyết định hay cân nhắc kỹ lưỡng, mà hãy chuẩn bị tinh thần để lo hậu sự cho cái quyết định của mình.

Ví dụ vầy, bạn tham gia một chuyến đi xa. Bạn không biết phía trước như thế nào? Trong đầu bạn chỉ là những viễn cảnh vui vẻ, chơi đùa. Nhưng bạn có nghĩ tới những nguy hiểm không? Biết bao nguy hiểm xảy ra mà không lường trước, dù bạn không muốn và chuẩn bị kỹ. Một tai nạn dọc đường, bạn bị bệnh, thức ăn nhiễm khuẩn … Nghĩ tới đó chẳng lẻ bỏ cuộc, không đi sao? Không đi thì mọi chuyện tương tự vậy, có ít nguy hiểm hơn nhưng không phải là không có. Ai biết bạn đi trên đường có chuyện gì. Xe nổ lốp, tai nạn bất ngờ, cháy… Đủ thứ chuyện và chỉ có trời mới biết thôi. Tôi nghĩ rằng tôi sống tới thời điểm này là gặp rất nhiều may mắn. Những chuyến đi xa, những cú ngã, những tai nạn…luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Nhưng may sao những thứ đó, nếu có, chỉ là những vết xước nhỏ. Biết bao người chỉ một lần là đi đứt rồi.

Do vậy, sống tới ngày này là một cái gì đó rất may mắn.

Cuộc sống giống vậy. Không thể tránh hết khó khăn. Tôi nghĩ chúng ta học cách đối mặt với khó khăn, giải quyết nó và sau đó lường trước những nguy hiểm đó. Ai đó đã nói cuộc sống thú vị nhờ trải nghiệm. Khi trải nghiệm qua một điều gì, thường chúng ta sẽ có cái nhìn khác về sự việc. Giả tỉ những bậc cao thủ võ lâm, một lần suýt chết là họ thay đổi quan điểm sống liền. Thường quan điểm sống ít khi thay đổi nếu không có những chuyện đau thương xảy ra. Vì vậy mà nghe những người đã trải nghiệm rất thú vị, kinh nghiệm xương máu mà. Một ví dụ là bạn thử đọc một tác phẩm kiếm hiệp của Kim Dung, nghe nhạc Trịnh hay xem những bộ phim nổi tiếng lúc trẻ, khi trưởng thành và gần xa trời. Mỗi lần chắc chắn bạn sẽ có những cái nhìn mới về nó, nghiệm ra nhiều điều hơn.

Trải nghiệm làm cuộc sống dài hơn, nhiều kỉ niệm hơn và đáng nhớ. Những câu chuyện trên phim hay truyện đều kể về những người có hoàn cảnh éo le, khó khăn và nhiều trở ngại. Tại sao? Vì nếu cuộc đời họ yên bình quá, lấy gì để mà kể đây. Và cuộc đời như bao người khác, chẳng ai quan tâm.

Vì vậy không biết tôi có độc ác với bản thân không khi cứ bắt mình phải làm những chuyện khùng khùng. Có thể học hành yên ổn, ngủ thoải mái chứ. Nhưng vẫn thức đêm hôm để làm những chuyện vớ vẩn, tôi nghĩ vậy. Tôi thích vậy. Không muốn thời gian của mình yên ả quá, bình thường quá. Không thích cứ phải suốt ngày cứ cắm cúi học mà không thấy mặt trời. Không chịu cái cảnh suốt tuần bù đầu với công việc. Thời gian đâu mà tận hưởng cuộc sống tươi đẹp chứ. Như vậy, cuộc sống như dài hơn và có nhiều chuyện để nhớ.

Mỗi chuyện đều có cái giá của nó. Mỗi chuyện khùng khùng tôi làm đều phải trả giá. Không biết là tôi có bị hớ khi mua với giá như vậy không? Chắc là không, vì giá càng cao, tôi thấy mình học nhiều hơn và nhớ lâu hơn.

Lần này cũng vậy. Cái giá chắc là cao, công sức, thời gian, tiền bạc,… Chưa biết còn trả giá thêm nữa không? Không sao. Chuẩn bị thật kỹ, sai số có thể chấp nhận được. Thực ra có thể không chuẩn bị, để tới đó rồi tuỳ cơ ứng biến. Tôi không nghĩ vậy là hay.

Lần đi này phải chuẩn bị từ rủ rê bạn bè, lên kế hoạch, xin phép, kiếm tiền. Và chuẩn bị những gì chờ đón sau chuyến đi. Nếu muốn biết kế hoạch chuẩn bị kỹ tới đâu, bạn nói chuyện này cho người lớn và bạn bè nghe. Bạn có trả lời suôn sẻ những câu hỏi của họ không?

Không phải chuyến đi nào chúng ta cũng có những người bạn, nhất là những chuyến đi lớn. Mỗi người có dự định riêng. Thật khó bắt ép ai đó cùng chung sở thích, lý tưởng của mình. Tôi vẫn hay đi xem phim một mình. Không phải tôi muốn vậy mà khi tôi thích đi xem phim, những người bạn lại có chuyện bận. Với lại rủ rê hoài cũng oải. Tôi giống mẹ hồi trẻ, đi xem phim một mình với lý do như vậy.

Một điều hay là chúng ta có thể kết bạn với những người trên chuyến đi đó. Sẽ có rất nhiều người không chung điểm xuất phát, nhưng có chung đích đến. Và thế là thành bạn, bạn đồng hành trên một con đường. Sau này mỗi người mỗi phương. Tôi có những người bạn như vậy.

Con đường lớn sẽ gặp những người bạn lớn.

Ai đó nói giờ không đi, sau này sẽ đi. Lúc nào nhỉ? Lúc đó có được như bây giờ không? Không tài sản, không vướng bận, không công việc, mọi thứ giờ như đôi tay trắng, mặc sức lang thang và phiêu du. Tôi thích mình trông có vẻ bụi bặm, có thể sống bất cứ đâu. Tôi biết có những kế hoạch đi Xuyên Việt, kế hoạch toàn là đi xe hơi, máy bay, ăn nhà hàng. Sướng quá đi. Nếu vậy sao có thể ăn bờ ngủ bụi, uống lê nằm lết. Chỉ muốn tự do, không lo gì cả. Thật sự thoải mái.

Gió Nam cuốn Bụi đường bay khắp bốn phương trời.

Đi để biết đây biết đó, để biết nước mình nghèo lắm. Chứ không chỉ ở Sài Gòn, đông đúc, ồn ào, bụi bặm và tấp nập. Một anh khuyên hãy đi du lịch nước ngoài. Đi trong nước toàn gặp “tư tưởng nhỏ”. Đúng vậy, nhưng trước hết hãy đi trong nước đã, tôi là người Việt Nam. Thăm thú trong nước trước, nơi khác tính sau. Nước mình, mình vẫn chưa thăm hết những cảnh đẹp của nó.

Một kế hoạch dài hơi kéo dài từ 30-45 ngày. Thời gian nghỉ giải lao giữa chặng đường đời. Thử hỏi sau này liệu có đi một chuyến vậy không, gia đình, công việc, vợ con bộn bề để đâu. Đi với bạn bè thăm thú đất Việt, thăm quê Bác, địa cực của tổ quốc, những thắng cảnh đẹp,… Quá trời. Một chuyến đi để đời.

Mọi sự đã xong, giờ chỉ chờ giấy phép. Giai đoạn này quan trọng và khó khăn. Tuy những giai đoạn trước khí thế hăng hái, giai đoạn này ỉu xìu ngay vì thử hỏi cha mẹ nào cho con tham gia chuyến đi như vậy chớ. Đây chính là lúc thể hiện sự quyết liệt của mình. Đấu tranh cho những gì mình thích. Phải cho con cái sống cuộc đời của mình chứ.

Kết quả xin phép gia đình ra sao? Tôi được đi chính thức, có hỗ trợ từ bố mẹ. Vui lắm. Vì nếu không, phải lừa dối gia đình. Cảm giác rất tuyệt khi gia đình ủng hộ mình, một chỗ dựa vững chắc. Con yêu bố mẹ lắm lắm.

Thật ra để thuyết phục gia đình không phải đơn giản. Tôi phải nói từ trước đó 6 tháng. Bố mẹ lúc đầu gật gù đồng ý. Sau đó không biết sao, vào một giờ đẹp trời, gọi điện thông báo là dẹp hết, lo học hành đi con, đi làm cưới vợ ^_^… khuyên bảo rồi răn đe. Quyết liệt lên nào.Tôi phải trình bày cả một kế hoạch dài hơi, chuyến đi ra sao, sau đó sẽ làm gì… Đủ thứ. Không lay chuyển được. Hiz. Mày học đi, sau này đi, đi long bong là đi bộ đội hà.

Cuối cùng một bức thư trình bày cặn cẽ mọi thứ được viết ra: lý do, lợi ích chuyến đi, kế hoạch đi làm, kế hoạch học nữa….Đại ý là đây không chỉ là một chuyến đi. Cuối thư để một dòng P/S: dù sao vẫn đi ( đại loại là vậy).

Kết quả ra sao thì như ở trên đã nói. Chả nhớ thư đó viết ra sao mà thuyết phục vậy. Hơi bất ngờ, tưởng tuyệt vọng rồi.

Một chuyện muốn kể thêm. Đợt vừa rồi có đi phỏng vấn đi làm. Người của công ty hỏi chừng nào đi làm được. Đầu tháng 4. Sao đi tìm việc sớm thế? Em đã chuẩn bị trước kế hoạch một năm tới rồi, em có công chuyện. (This is the plan). Em làm gì sao? Xuyên Việt. Hehe, trả lời ngon ơ. Quả thật thời gian phỏng vấn là 3 tuần. Nếu không tìm việc sớm, sau khi chơi về ngồi chơi sao. Tôi không thích vậy.

….Chờ đợi lắm lắm…cảm giác chờ đợi nhiều thứ…

…gió nam cuốn bụi đường bay khắp bốn phương trời….

Nói thêm: có lẽ bị ảnh hưởng nặng của phim Euro Trip và Prison Break. Hai phim không thể bỏ qua.

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2008

Chu du ẩm thực.


Hôm bữa bạn hỏi nếu chỉ có vài tiếng đồng hồ để khám phá một miền đất mới, ví dụ như là một phố huyện miền Trung xa xôi nắng chang chang nào đó đi nha, mình sẽ thích làm gì? Chà... khó ghê, chỉ có vài tiếng thôi ư, ít quá, làm sao mà tìm hiểu cái gì được?!

"Cưỡi ngựa xem hoa" hết một vòng ư, để "cảm" cái nhịp sống thường nhật của người dân bản địa? Hay là tìm đến một địa danh thật đặc biệt của địa phương, một danh lam thắng cảnh làm nên hồn vía của vùng đất này chẳng hạn? Uhm, nghe cũng hấp dẫn ghê, nhưng mà, nếu thật sự mình chỉ có rất ít thời gian để "làm quen" với một vùng đất mới, nhiều khả năng mình sẽ... đi ăn!!!

Đúng rồi, đi ăn đó, sao lại không chứ!

Ẩm thực vốn luôn là một phần không thể tách rời của văn hóa, nó phản ánh cá tính, tập quán và đôi khi là cả lịch sử của một vùng đất, một cộng đồng người. Làm sao Sài Gòn có thể có những tiệm chè hạnh nhân, chè hột gà trà lâu đời của người Hoa, lại cũng có những tiệm bánh tây nổi tiếng gần cả trăm năm tuổi, nếu như lịch sử thành phố này không có những trang dành riêng để nói về cuộc di cư lớn của người Minh Hương khoảng hơn 300 năm trước, và những trang nói về "công cuộc khai phá thuộc địa" của người Pháp hồi đầu thế kỷ 20. Rồi món phở quốc hồn quốc túy của Việt Nam ta, không biết có phải là ra đời nhờ sự sáng tạo của các đầu bếp Nam Định khi "tác hợp " cho món bún cổ truyền "nên duyên" với thịt bò theo cách ăn của người Pháp? Vì trước khi Pháp sang, dân Nam ta không hề ăn thịt bò, cũng chả có món bò lá lốt, bò nhúng dấm nào hết! À cũng nói thêm, chính Nam Định mới là quê hương của phở đó nha, mặc dù ai cũng biết là phở nổi tiếng ở Hà Nội (kể cũng ngộ quá ha!) nên chừng nào đi đến hai vùng đất này, chúng ta nhất định phải kiểm nghiệm coi phở ở đâu đặc sắc hơn cả. (Hi hi... cá nhân mình đoán chắc đặc sắc nhất là phở... Sài Gòn!!!)

Nói tới ăn, mình có thể kể cả ngày cũng không hết, một trong những kỳ vọng lớn lao của mình với chuyến đi này chính là được ĂN đó! Mình muốn biết, vùng đất Quảng X nào (Quảng Ngãi, Quảng Nam và cả Đà Nẵng nữa...) cũng giành phần mì Quảng là món ngon của quê mình, nhưng thật sự, mì Quảng ở đâu là tuyệt nhất, hay là mỗi địa phương, thậm chí là mỗi nóc nhà, các đầu bếp, các bà nội trợ lại có một công thức riêng cho món mì nổi tiếng ấy, và mỗi tô mì lại ngon một kiểu khác nhau. Viết tới đây tự dưng nhớ, có lần giữa lòng Sài Gòn, được ăn món bún chả Hà Nội do một người Sài Gòn chính gốc đứng bán, các phục vụ bàn trong quán kẻ giọng Nam người giọng Trung nhưng tuyệt nhiên không hề có một giọng Hà Nội nào, lúc đó ngạc nhiên quá trời, hỏi thăm mới biết, cô chủ quán người Sài Gòn đó, thậm chí chưa hề ra Hà Nội một ngày! Thật là một cuộc lãng du ẩm thực kỳ lạ!

Mình ước ao sẽ được đến Hội An ăn cao lâu, ăn chè mè đen (chí mà phù), mà phải bán ở một gánh hàng rong mới đúng điệu nha; rồi đến Huế ăn bún bò, ăn cơm hến nổi tiếng "ngon nhức răng", ăn bánh bèo, ăn chè Huế nữa chứ. Ra tới những vùng biển xanh cát trắng như Quảng Bình thì có đặc sản sông nước, những món hàu, món cá, món mắm gì đó mà mình thậm chí không nhớ nổi tên. Thăm quê Bác thì có tương Nam Đàn nổi tiếng. Còn đến Hà Nội thì nhất định phải tìm một ngõ lạnh heo hút ngồi xì xụp húp tô bún ốc đất Tràng An.

Mỗi vùng miền trên khắp tổ quốc, đâu đâu cũng có những món ngon, chắc chẳng phải ngẫu nhiên mà bữa cơm gia đình, ngọn khói lam chiều, và những "canh rau muống, cà dầm tương" đi vào tâm thức người Việt, khiến người ta đi đâu cũng phải nhớ về! Hình như với mỗi người Việt, đặc sản quê hương đâu phải nem công, chả phượng hay bào ngư vi cá chi chi... đặc sản là tô bún chợ quê, là bát chè má nấu, là gánh ốc vỉa hè hay hũ mắm nhà tự ủ. Dịp đi lần này, chúng ta hãy cùng trải nghiệm hết đặc sản đậm đà đó của quê hương nha!

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2008

Ngắm sao trời - chòm sao Bắc Đẩu

Trên hành trình ra Bắc, chúng ta sẽ có vài dịp được ngủ đêm ở trên đèo hoặc núi. Vậy tại sao không tìm hiểu qua vài chòm sao để có thể ngắm trong đêm nhở.
Một ý kiến nữa là không biết có hứng thú hành quân đêm không, hành quân giữa trời đầy sao. Thử cảm giác đi giữa trời sao, đêm nào có trăng càng thú.

Chòm sao xin mạn phép giới thiệu là chòm sao Bắc Đẩu ( chòm sao này được ba GoL chỉ lúc nhỏ).

Tên của chòm sao này gợi chúng ta biết đôi chút về nó. Hình dạng nó giống như cái đấu hay cái gàu múc nước. ( GoL thấy nó giống cái ghế hơn, ghế dựa ) Nó toạ lạc ở phương Bắc, do vậy mà người xưa dựa vào nó để định phương hướng.



Về mặt tên gọi, mỗi nước gọi chòm sao Bắc Đẩu theo tên khác nhau. Người Mỹ gọi là Cái Muỗng Lớn ( Big dipper). Người Ireland ví nó như “cỗ xe chiến mã của vua David” (King David's Chariot), một trong những vị vua đầu tiên của hòn đảo này. Ở Pháp, nó là “Great Chariot”. Một cái tên phổ biến khác là Charles’s Wain (Cỗ xe kéo của Charles). Ở nước Anh, 7 ngôi sao này được gọi là “cái cày” (The Plough). [1]

Chòm sao Bắc Đẩu bao gồm 7 ngôi sao sáng nhất của chòm sao Đại Hùng ( Ursa Major ) của thiên văn học Phương Tây ( trong chòm sao Đại Hùng còn nhiều ngôi sao khác nữa). Tên của 7 ngôi sao này như sau:
Tên Trung Quốc - tên Phương Tây ( tên thiên văn )
Thiên Xu - Dudhe ( α - Ursa Major )
Thiên Toàn - Merak ( β - Ursa Major )
Thiên Cơ - Phecda ( γ - Ursa Major )
Thiên Quyền - Megrez ( δ - Ursa Major )
Ngọc Hoành - Alioth ( ε - Ursa Major )
Khai Dương -Mizar ( ζ - Ursa Major )
Dao Quang - Alkaid ( η - Ursa Major )
[3]

Chòm sao Bắc Đẩu được dùng để xác định sao Bắc Cực. Điều này được thực hiện dựa vào 2 ngôi sao sáng nằm ở cạnh ngoài của chiếc gàu. Hai ngôi sao sáng này là Dubhe ( alpha ) và Merak (beta ) - được xem là kim chỉ bắc, bởi vì nó luôn chỉ về sao Bắc Cực (Polaris). Hãy tưởng tượng trong đầu, bạn kéo dài đường thẳng giữa hai ngôi sao Dubhe và Merak khoảng 5 lần khoảng cách 2 sao này, đường thẳng này cuối cùng sẽ hướng bạn tới một ngôi sao có độ sáng trung bình. Đó chính là Polaris- sao Bắc Cực. [1]


Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Phương Bắc của Mặt Đất mới chính là Trung Tâm của bầu trời. Chính vì thế vị trí của chòm sao Bắc Đẩu được coi là trung tâm của Bầu Trời, gọi là Trung Thiên Bắc Cực. Có thể thấy rõ điều này, ngày xưa các Vua khi tể trời, quay Mặt về hướng Bắc mà quỳ lạy, chính là hướng về Cha Trời vậy. Nam Thiên Môn chính là cửa quan trọng nhất, vì cửa này nhìn xuống thế giới, do vậy Vua luôn quay mặt về hướng Nam là thế. Quan niệm này của họ không có gì là phi lý. Chúng ta đứng ở những nơi khác nhau trên Trái Đất, thì cực Bắc chính là phía Bắc của chúng ta. Nhưng khi ta ở cực Bắc rồi thì không còn hướng Bắc nữa mà chỉ toàn hướng Nam. Như vậy ( cũng do địa lý của Trung Quốc ở Bắc bán cầu, những điều này không đúng khi xét ở Nam bán cầu) cực Bắc chính là TRUNG TÂM của thế giới phương vị và được gọi là TRUNG THIÊN.

Xung quanh TRUNG THIÊN có các hướng của nó Đông Tây Nam Bắc được đại diện bởi 4 chòm sao rất lớn là THANH LONG, BẠCH HỔ, CHU TƯỚC, và HUYỀN VŨ.

Phương Đông đại diện bở chòm THANH LONG ( rồng xanh), chính vì thế Phương Đông tượng trưng cho Mộc và có màu xanh. bao gồm:
1.Giác Mộc Giảo( cá sấu)
2.Cang Kim Long(rồng)
3.Đế Thổ Bức(dơi)
4.Phòng Nhật Thố (thỏ)-> đứng chính giữa chòm Thanh Long là MÃO
5.Tâm Nguyệt Hồ (Cáo)
6.Vĩ Hỏa Hổ (Hổ)
7.Cơ Thủy Báo(Báo)

Phương Bắc đại diện bởi chòm HUYỀN VŨ (Rùa Đen), chính vì thế Phương Bắc tượng trưng cho Thủy có màu đen, bao gồm:
1.Đẩu Mộc Giải( con giải)
2.Ngưu Kim Ngưu(trâu)
3.Đề Thổ Lạc(nhím)
4.Hư Nhật Thử(chuột)->đứng chính giữa chòm Huyền Vũ là TÝ
5.Ngụy Nguyệt Yến ( chim yến)
6.Thất Hóa Trư (lợn)
7.Bích Thủy Dư(cừu)

Phương Tây đại diện bởi chòm BẠCH HỔ(Hổ Trắng), do vậy phương Tây tượng trưng cho Kim khí có màu trắng, bao gồm:
1.Khuê Mộc Lang(chó sói)
2.Lâu Kim Cẩu(chó nhà)
3.Vị Thổ Trệ (chim trĩ)
4.Mão Nhật Kê (gà)->đứng giữa chòm Bạch Hổ là DẬU
5.Tất Nguyệt Ô( quạ)
6.Chủy Hỏa Hầu(khỉ)
7.Sâm Thủy Viên(vượn)

Phương Nam đại diện bởi chòm Chu Tước( chim sẻ đỏ), do vậy phương Nam tượng trưng cho Hỏa có màu đỏ, bao gồm:
1.Tỉnh Mộc Hãn(bò)" có sách ghi Tỉnh Mộc Ngạn"
2.Quỷ Kim Dương(dê)
3.Liễu Thổ Chương(cheo)
4.Tinh Nhật Mã(ngựa)->đứng giữa chòm Chu Tước là Mã
5.Trương Nguyệt Lộc(hươu)
6.Dực Hỏa Xà(rắn)
7.Chân Thủy Dẫn( giun)

28 vị sao trên sách xưa gọi là Nhị Thập Bát Tú chia làm 4 khu vực quanh Hoàng Đạo. Người Trung Quốc tin rằng mỗi một vị thần coi giữ 1 sao, quyền năng ảnh hưởng mạnh mẽ lên con người phàm trần. Dựa vào đó họ đã chọn ra 12 con Địa Chi để thể hiện sự ảnh hưởng này. Trong 12 con này, những con tôi gạch chân ở trên, đứng giữa chòm sao tượng cho CHÍNH Đông, Tây, Nam, Bắc. Do vậy mà Tý Ngọ Mão Dậu chính là Tứ Chính vậy. [2]

Những tài liệu tham khảo.

[1] Nam Tào, Bắc Đẩu


[2]BÀI VIẾT CỦA CỐ GS.TS.TRẦN QUANG VŨ ., Những bài viết về Tử Vi.

[3] Bắc Đẩu

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2008

Lại bàn về điểm cực đông

Trong 4 điểm cực trên đất liền của nước ta, ngoài điểm cực bắc và cực tây đã "yên bề gia thế" thì điểm cực đông và cực nam vẫn chưa rõ ràng. Điểm cực nam cứ vài năm lại bị thay đổi do bồi lấp, thế nên các “chuyên gia” GPS liên tục phải cập nhật các kỷ lục về tọa độ của điểm cực này. Điểm cực đông thì vẫn là đề tài tranh cãi trên các diễn đàn du lịch, hai địa danh được xem xét là Mũi ĐiệnPhú YênMũi ĐôiKhánh Hòa.

Hôm trước, bác Huynh có đăng lại một bài trên Tuổi Trẻ về việc xác định điểm cực đông thông qua tọa độ lấy được bằng GPS. Tuy nhiên, theo em, cơ sở xác định của bài này chưa thật thuyết phục, bởi vì các lý do sau:

Mốc tọa độ biển trên tảng đá bằng (Nguồn: blog Apham)

    - Vị trí lấy tọa độ: ở Mũi Điện, rõ ràng vị trí tại mốc toạ độ biển chưa phải là điểm ngoài cùng phía đông của mũi, còn tại Mũi Đôi thì theo tác giả bài báo, vị trí lấy tọa độ còn cách vị trí xa nhất mấy chục mét.

    - Mốc tính toán tọa độ (datum): nói thật là em chả biết gì về tọa độ với cả GPS, nhưng nghe nhiều người nói có hai mốc tính tọa độ là VN2000 và WGS-84, cùng một điểm nhưng nếu lấy khác mốc thì tọa độ có thể sai lệch vài chục đến trăm mét. Theo diễn biến trên diễn đàn caravanviet thì cả tác giả bài báo và người bấm GPS tên Phương đều đã không phân biệt được hai mốc tính toán này.

Vì điểm lấy tọa độ và mốc tính toán không thống nhất nhau, nên các nhóm khi đo thường cho ra các kết quả không giống nhau. Và trong mỗi chuyến đi, mục tiêu của các “chuyên gia” GPS là cố tới được điểm xa nhất để bấm tọa độ, để về nhà còn "khoe hàng" với anh em chiến hữu.

Trong bài này, em không có ý định lạm bàn về vấn đề phải chọn hệ quy chiếu và điểm bấm tọa độ như thế nào. Mục đích của em là cố gắng xác định điểm cực đông trên đất liền dựa vào thông tin mà các tài liệu chính thống đã dẫn và nguyên tắc để chọn điểm cực trên đất liền, cũng như lý giải nguyên nhân dẫn đến sự tranh cãi cho Mũi Điện, Mũi Đôi và cả Hòn Đôi.

Mũi Đôi (phải) và Hòn Đôi (trái) (Nguồn: caravanviet)
  1. Tài liệu: Trang 84 sách địa lý lớp 8 (tái bản lần 4, NXB Giáo Dục, 2/2008) và trang 13 sách địa lý lớp 12 (NXB Giáo Dục, 7/2008) đều cho điểm cực đông ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mà không nói rõ là Mũi Đôi. Từ điển bách khoa toàn thư online cho là ở Mũi Đôi. Tài liệu của người Pháp cho Mũi Đôi là cực đông thì em vẫn chưa được tiếp cận. Ngoài ra em chưa tìm được nguồn tài liệu chính thống nào cho rằng điểm cực Đông là Mũi Điện. Nếu bác nào tìm thấy thì bổ sung giúp em.

  2. Tính chất địa lý: Mũi Điện là doi đất nằm trên đất liền, Mũi Đôi là mũi đá nằm trên bán đảo Hòn Gốm, còn Hòn Đôi là đảo. Tùy thuộc vào thủy triều mà Hòn Đôi cách Mũi Đôi ít nhất 500m, vậy thì Hòn Đôi không thể nào là cực đông như một bài báo đã đăng trên Tuổi Trẻ.

  3. Định nghĩa điểm cực trên đất liền và nguyên tắc xác định điểm cực: đền giờ em vẫn chưa tìm được quy định nào về những điều này (cả của Việt Nam, lẫn nước ngoài). Tuy nhiên theo một “phượt gia”: khi thủy triều lên cao thì Mũi Đôi gần như đứng độc lập với đất liền, chưa hiểu gần như là thế nào, khi ghé đây chắc chắn phải hỏi người dân mới được. Như vậy, nếu cho rằng điểm cực trên đất liền phải là điểm luôn luôn dính với đất liền, khả năng Mũi Đôi là cực đông đã bị lung lay [1].

  4. Định nghĩa đất liền: Đến giờ em vẫn chưa biết định nghĩa chuyên ngành địa lý của đất liền (mainland) là gì. Khi tìm kiếm trên google với cụm từ “definition of mainland” thì được kết quả: “the main land mass of a country or continent; as distinguished from an island or peninsula” hoặc “the main part of a land mass as opposed to an island” hoặc “a continent or the main part of a continent as distinguished from an offshore island or sometimes from a cape or peninsula”. Vậy nếu định nghĩa đất liền là không bao gồm bán đảo thì điểm cực của đất liền không thể nằm trên bán đảo [2].

  5. Vẻ đẹp của Mũi Điện: ngoài các nguyên nhân [1], [2] kể trên, với vẻ đẹp “quyến rũ” Mũi Điện đã khiến không biết bao nhiêu du khách say mê mà bỏ phiếu cho mình. Nằm cạnh Bãi Môn đẹp tuyệt, Vũng Rô luôn xanh ngắt, lại sát bên Đèo Cả hùng vĩ, có ngọn hải đăng cổ, và là di tích lịch sử, nơi cập bến của những con tàu không số, Mũi Điện luôn là mục tiêu của những “phượt gia” không biết mệt mỏi. Có nhiều "phượt gia" đã chinh phục 3 cực và 1 đỉnh, thì với mục tiêu cuối cùng họ đã chọn Mũi Điện. Bởi thế mà khi tìm kiếm trên google, trong những kết quả hàng đầu, số người cho Mũi Điện là cực đông còn vượt qua số người cho là Mũi Đôi. Không những du khách mà nhiều phương tiện truyền thông, báo chí cũng cho rằng Mũi Điện là điểm cực đông.

Như vậy, trước khi muốn xác định điểm cực đông thì chúng ta cần phải làm rõ nhiều điều. Và rất cần những người có kiến thức chuyên môn rộng tham gia. Nhưng dù gì đi nữa, hai địa danh trên vẫn là hai nơi mà các “phượt gia” không thể không ghé thăm để được đón những tia nắng sớm bên tiếng sóng vỗ rầm rì.