Thứ Tư, 14 tháng 1, 2009

Mua sắm đồ phượt

Đây là danh sách đồ đạc cần chuẩn bị. Nếu thấy đồ nào cần mua thì reply lại liền nha, vì mai là ngày cuối em các bác đây còn có thể đi mua được.

A. Mua chung:
1. Lều (đã có sẵn lều 3 người).
2. Túi ngủ: nhẹ, có thể tháo ra buộc lại thành võng (đã mua, 150k).
3. Đồ nghề sửa xe: khóa, vòng, cây cạy lốp, miếng vá, keo, dây thắng, cục gôm (đã mua, 120k); kềm, búa, tua vít (có sẵn).
4. Bơm xe (đã mua, 100k).
5. Dao: gọn, sắc, có bao (đã mua, 13k).
6. Mũ bộ đội trùm kín tai: rất phù hợp cho thời tiết rét của tháng 2, 3 (đã mua 4 cái, 100k).
7. Găng tay: mặt trên bằng len, mặt dưới bằng cao su, rất tiện khi cần đu bám (đã mua 4 đôi, 32k).
8. Võng: khi nghỉ ngơi bên đường, treo võng đung đưa dưới gốc cây là hết sẩy, tuy nhiên mang theo thì hơi nặng, giá khoảng 60-70k/cái, nếu muốn mua thì có thể mua 1 hoặc 2 cái.
9. Đồ nấu nướng: bếp (không biết nên mang theo không, mang theo thì có thể dùng khi trời mưa không nhóm lửa được, nhưng cồng kềnh, nếu mua thì nên mua loại bếp cồn khô giống trong mấy quán nhậu í), xoong (có thể mang 2 cái nhỏ, loại bằng nhôm, nhẹ, nhà bác nào có sẵn thì giơ tay nha), ấm (loại ấm nhỏ, ốm ốm, như trong mấy quán nước, theo ý em thì mình có thể dùng lon coke để thay thế, cái này có thể lượm ở dọc đường, hehe).
10. Tấm trải: bằng nilon, có thể trải bên dưới khi ngủ, hoặc trải ra đất để ngồi nghỉ, hoặc phủ lên để che đồ, nghe nói có trong coopmark, nhưng em đã tìm mà chưa thấy, bác nào rảnh thì đi kiếm nha, giá khoảng 20-30k.
11. Giày nilon, tất nilon: dùng khi lội nước, nên mua một ít.

B. Tự trang bị:
1. Quần áo: nên mua quần kaki túi hộp rộng rãi, phù hợp cho việc di chuyển; quần soóc; áo khoác nên nhẹ và ấm; áo len để mặc khi ngủ; găng tay len.
2. Giày: mua giày bộ đội (lọai của công ty hậu cần 32, mua ở chợ Dân Sinh, Q1, giá 55k, nếu bác nào không dùng giày này để đi đường mà chỉ dùng leo núi thì có thể mua khi ghé Hà Nội), tất dày, tất dài đến đầu gối (dùng khi vào rừng, có thể nhét lai quần vào tất để chống vắt). Nên mang theo một đôi dép nhựa, loại tổ ong có vẻ tốt.
3. Balo: mua loại balo có dây buộc vào trước bụng, nói chung nên mua loại nào mang vào thấy vững, không đung đưa, lắc qua lắc lại là được. Nếu là con trai thì cần 2 cái: một cái để đồ nghề, đồ dùng chung; một cái để quần áo, hay vật dụng riêng. Túi để đồ nghề có thể mua loại túi gồm 2 ngăn vắt ở 2 bên xe đạp, giống mấy chú đưa thư, hay mấy anh sửa điện đó. Nên mua loại nhỏ, vừa với xe đạp. Có thể mua ở chợ Dân Sinh, họ nói 120k, em trả còn 80k, họ đồng ý bán nhưng em chưa mua, để xem có cần không đã.
4. Đèn pin led: dùng loại này nhắm tiết kiệm pin, có 2 loại: loại lớn sạc, mỗi lần sạc có thể dùng 1 tuần hoặc hơn (tùy dùng ít nhiều), mua trong siêu thị, giá khoảng 30-40k; loại nhỏ, đẹp, nhiều bóng, sáng hơn loại lớn, giá khoảng 60-70k ở chợ Dân Sinh, dùng 3-4 cục pin AA nên khá linh hoạt; cũng có thể mua loại đeo trên trán, rất tiện lợi, nhưng hơi mắc.
5. Mũ tai bèo hay mũ rộng vành; mũ bảo hiểm: nếu muốn an toàn hơn, nhưng loại mũ nhỏ cho xe đạp hơi khó tìm và mắc, nhưng nếu muốn có thể đội mũ xe máy, tuy hơi nặng.
6. Phụ tùng xe đạp đặc thù cho từng loại xe như ruột, các loại ốc vít. Nên mang xe ra tiệm mua một cái ruột dự trữ có kích thước tương ứng, hỏi mấy anh sửa xe xem ốc vít nào hay bị mất, bảo mấy anh cho một mớ để secure.
7. Áo mưa: gọn, nhẹ, loại có tà thì khi đi xe, tà sau có thể che đồ đạc.

Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2009

Chinh phục Fansipan: Phần 3 - Chọn ngày, chọn tour


1. Thời điểm:

  • Tháng đi FSP đẹp là tháng ít mưa, trời trong veo để còn ngắm cảnh, không nóng và không quá lạnh. Ngòai ra cũng nên có ít mây cho lãng mạn.
  • Như vậy thời tiết đẹp nhất trong năm là tháng 10-11. Tháng này đã hết bão, tiết thu nắng dìu dịu và chưa lạnh run.
  • Từ tháng 12 đến tháng 2, tháng 3 là lạnh rồi, tháng này lên đó sẽ có nhiều băng tuyết ( Băng thì chắc chắn là có ) vì các dòng suối , khe nước trên FSP hầu như năm nào cũng đóng băng những tháng này. Tuyết thì thi thoảng, dịp nào trời lạnh và độ ẩm cao thì mới có tuyết. Các tháng 2,3 có thể bị gió mùa đông bắc, mưa phùn nhiều.
  • Tháng 4,tháng 5 thì có nguy cơ có mưa phùn còn lại của mùa đông. Cuối tháng 5 sang tháng 6 thời tiết cũng khá đẹp. Trời nắng nhiều và chưa có mưa mùa hè. Tuy vậy, nắng quá leo cũng mệt.
  • Tháng 7, tháng 8 thì bắt đầu là mưa bão, có nhiều ảnh hưởng. Thậm chí Sapa còn không nên đi chứ đừng nói đến FSP.
  • Tháng 9 lại ngớt mưa nhưng không mưa thì nắng to mà không nắng thì mưa to do bão vẫn còn.
Tuy nhiên, việc nắng mưa là việc của trời. Do vậy nên theo dõi dự báo thời tiết cho khoảng 3, 4 ngày sắp tới. Nếu thời tiết xấu thì không nên đi vì khó đi và cảnh không đẹp.

2. Chọn tour: Theo các phượt gia thì không nên chọn tour giá rẻ vì các dịch vụ kèm theo sẽ bị giảm, chẳng hạn:
  • Phải mang vác nhiều vì không thuê đủ người khuân vác.
  • Thức ăn ít, không đủ sức.
  • Vật dụng kèm theo (lều, túi ngủ,...) kém.
  • Bị ép lịch trình: đi nhanh.
Giá cả: tùy theo số ngày của hành trình, tuy nhiên thường khoảng hơn 1 triệu/ người (năm 2006), còn tùy văn phòng tổ chức. Nay 2009, nhóm mình ít người, có thể chi phí sẽ lên đến 2 triệu/người.

3. Tự tổ chức:
Với nhóm chúng ta người ít, ngân lượng cũng ít, phong cách lại hoang dã, do đó nên tự tổ chức đi.
  • Đến văn phòng vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (số điện thoại: 020-871494) làm giấy đăng ký leo Fan, giá vé 35k/ngày (giá năm 2006).
  • Thuê anh em bản địa đi theo dẫn đường và khuân đồ, năm 2006 khoảng 100k/người/ngày. Nay tính khoảng 200k/người/ngày là vừa.
  • Đi cách này phải tự chuẩn bị kỹ càng việc mang theo thức ăn.
--------------------------------------------------------------
Tổng hợp thông tin từ Tây Bắc Group
--------------------------------------------------------------

Phần tiếp theo: Chọn đường nào để trao thân?

Chinh phục Fansipan: Phần 2 - Hành trang

Hành trang mang theo là rất quan trọng. Cần phân sẵn ở nhà 2 nhóm hành trang:

a. Tự mang : Thông thường khi leo núi rất nóng nhưng khi dừng là lạnh, vì vậy ngoài trang phục mang trên người thì cần mang theo ( càng ít càng tốt, nhưng phải có):

i. 1 chai nước 0.5 lít pha muối nhạt, chanh và đường gluco. Mỗi lần uống chỉ một ngụm nhỏ và ngậm ở cổ họng trước khi nuốt.

ii. Áo khoác nhẹ nhưng thật ấm. Mỗi lần dừng nghỉ là khoác ngay vào không nhiễm lạnh.

iii. Thuốc lặt vặt: dầu trường sơn, thuốc đau bụng, sát trùng, urgo.

iv. Salon gel chống mỏi cơ: Salon gel tốt hơn deep heat vì tác dụng nhanh hơn

v. Áo mưa loại tốt.

vi. Đồ ăn: 100 gr chocolate, 100 gr chà bông. Nếu không đi theo tour thì sẽ phải mang nhiều thức ăn để tự phục vụ.

vii. Ba lô: Nhóm đồ tự mang nên sử dụng ba lô nhỏ vừa vặn, ba lô này cần chống nước nhưng nhẹ, có dây cài ở bụng. Khi leo núi thì việc thắt dây cho chặt làm cho ba lô ôm sát lưng không lủng lẳng giúp bạn an toàn và đỡ tốn sức rất nhiều. Tổng khối lượng tự mang không nên quá 5 Kg . Lưu ý cả máy ảnh, máy quay phim… cũng là những khối lượng rất nặng.

b. Khuân vác mang: Tất cả phần còn lại nên để khuân vác mang, Lưu ý là không nên mang quá nhiều. Tổng khối lượng mang theo không quá 10 Kg. Những đồ do khuân vác mang nên gói kỹ trong các túi ni long dày và dai – túi ni lon siêu thị - ở ngoài có ghi tên cá nhân và những thứ bên trong.

c. Trang phục: Chuẩn bị những trang phục sau là cực kỳ quan trọng có thể ảnh hưởng đến chuyến đi:

i. Giầy: tốt nhất là giày bộ đội vải cao cổ: mềm, bám chắc, bền. không đau chân. Khi mua nhớ nhắc người bán là mua loại cấp phát: khi bẻ gập đế cao su thì đế đàn hồi rất tốt. ( vì còn một loại khác - kế hoạch 3 - loại này chỉ đi vài lần là hỏng, gãy đế ).

ii. Tất : ngoài mỗi ngày 1 đôi tất, nên mang thêm một đôi tất chống vắt của bộ đội, dày và ấm đến tận đầu gối, khi ngủ rất ấm chân. Lưu ý khi mua tất và giày thì phải đi thử cả hai vì tất này rất dày, nếu mua giầy đúng số chân mình thì đi rất chật.

iii. Bọc khớp mắt cá và bọc đầu gối: hai cái bọc chân này đảm bảo không bị chấn thương khi va chạm, đồng thời khi xuống núi nó giữ cho khớp xoay đúng vị trí, tránh trẹo khớp.

iv. Quần: Quần rộng ống, ở gấu có dây buộc túm cho gọn gàng. Quần chỉ cần mang 2 cái cho cả đợt. v. Áo: Khi leo thì nên mặc áo thun thấm mồ hôi dài tay. Khi dừng nghỉ thì khoác áo ấm tránh gió.

vi. Găng tay: Găng tay cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta thoải mái bám víu vào mọi nơi. Không nên dùng găng tay da, hơi cứng. Găng tay mua loại bảo hộ lao động dệt bằng vải sợi, có gai nhựa mặt trong.

vii. Mũ : Có thể mua loại mũ của bộ đội biên phòng ( có trùm kín tai cho ấm ).

viii. Ngoài ra mỗi người cần đeo một cái còi ở trên cổ ( 24/24 ) đề phòng lúc cần báo động ( như bị tai nạn, cần trợ giúp.. )

d. Lều, túi ngủ, tấm trải: Nếu đi theo tour thì lều hoặc túi ngủ của người tổ chức rất mỏng, có khi không đủ ấm. Nếu mang theo lều thì nên chọn loại có đáy chống thấm, nếu không thì phải dùng tấm trải chống thấm lót phía dưới. Nên dự trù một tấm bạc để che lều phòng khi trời mưa. Vì khi trời mưa, nước mưa chảy theo vách lều sẽ thấm vào cửa lều qua phẹc-mơ-tuya, chẳng mấy chốc nước sẽ tràn đầy lều.

-------------------------------------------------

Nguồn: Tây Bắc Group